Phân tích tài chính doanh nghiệp là điều không thể thiếu trong đầu tư nhằm nắm được tổng quát về tình hình tài chính, khả năng trả trợ, các giao dịch đã diễn ra trong kỳ kế toán. Qua phân tích tài chính doanh nghiệp, nhà quản trị có thể đánh giá được quá trình đầu tư và có những chiến lược để quyết định đầu tư hiệu quả hơn.
1. Phân tích tài chính doanh nghiệp là gì?
Phân tích tài chính doanh nghiệp là việc ứng dụng công cụ, kỹ thuật phân tích các báo cáo tài chính để xác định điểm mạnh, điểm yếu, khả năng tài chính của một doanh nghiệp. Bằng cách thiết lập các mối quan hệ giữa các chỉ tiêu trong bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cùng với báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Việc phân tích giúp đánh giá và dự báo năng lực tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào, có tăng trưởng hay không, sức khỏe tài chính hiện tại như thế nào. Ngoài ra, phân tích tài chính doanh nghiệp còn dựa trên các chỉ số giúp dự báo năng lực tài chính doanh nghiệp trong tương lai.
2. Vì sao cần phân tích tài chính doanh nghiệp
Các doanh nghiệp cần phân tích tình hình tài chính vì nó có ý nghĩa quan trọng:
- Đối với nhà đầu tư: Tất cả những nhà đầu tư trước khi ra quyết định tham gia đầu tư vào một dự án nào đó đều cần phải tính toán đến lợi ích mà mình nhận được. Thông qua việc phân tích tài chính doanh nghiệp sẽ giúp họ biết được doanh nghiệp có đang sử dụng vốn hiệu quả không, những rủi ro phải chịu trên số vốn mình bỏ ra, lợi nhuận thực tế nhận được khi dự án kết thúc là lời hay lỗ. Nếu bạn không phân tích những điều đó, bạn sẽ đưa ra quyết định sai lầm, làm cho việc dự đoán và đánh giá khả năng sinh lời kém, rủi ro cao.
- Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp: Doanh nghiệp là nhà quản lý trực tiếp và điều hành hoạt động kinh doanh. Do đó họ cần nhiều thông tin để phục vụ cho công việc. Thông qua các phân tích báo cáo tài chính sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra chu kỳ đánh giá hiệu quả mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ cho việc thực hiện các nguyên tắc về quản lý tài chính, lợi nhuận, khả năng giải quyết vấn đề, tính thanh khoản,… Dựa vào những thông tin trong quá trình phân tích tài chính doanh nghiệp sẽ giúp các nhà quản trị kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, dự đoán tình hình tài chính của doanh nghiệp hiệu quả hơn.
- Đối với tổ chức tín dụng: Việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong hoạt động doanh nghiệp là một trong những chiến lược được áp dụng thường xuyên. Lúc này, công ty cần phải đi vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Nếu trong quá trình phân tích tài chính doanh nghiệp tín dụng và nhận thấy rằng khả năng trả nợ của doanh nghiệp đó kém thì tổ chức tín dụng sẽ hạn chế cho vay.
- Đối với các khoản vay ngắn hạn, thông thường các tổ chức tín dụng sẽ tập trung vào phân tích khả năng thanh toán. Đối với khoản vay dài hạn thì tiến hành phân tích và thẩm định hiệu quả tài chính của dự án đầu tư.
3. Một số tiêu chí khi phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp
Trên thực tế có nhiều cách để phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp. Nhưng để đơn giản hóa cho quá trình phân tích, người ta thường sử dụng các hệ số tài chính để nói lên thực trạng tài chính và để giải thích các mối quan hệ tài chính cụ thể hơn.
Chỉ tiêu khả năng thanh toán
Đây là nhóm chỉ tiêu được quan tâm rất nhiều kể cả nhà đầu tư, nhà cung ứng hay chủ nợ doanh nghiệp. Mục đích là họ muốn biết doanh nghiệp đó có khả năng trả nợ hay không. Nhà quản lý sẽ xác định được các khoản nợ tới hạn, khả năng chi trả, nguồn thanh toán có sẵn sàng hay chưa thông qua chỉ tiêu này.
- Hệ số thanh toán tổng quát – H1: Được tính bằng tổng số nợ phải trả. Thể hiện mối tương quan giữa tổng tài sản doanh nghiệp đang sở hữu với tổng số nợ. Cho biết rằng một đồng đi vay có mấy đồng sẽ đảm bảo được khả năng thanh toán nợ. Nếu H1 < 1 sẽ cho thấy rằng vốn chủ sở hữu đang bị hao hụt, tổng tài sản của doanh nghiệp không đủ để trả nợ, doanh nghiệp trên đà sắp phá sản. Nếu H1 > 1 thể hiện doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ hiện tại.
- Chỉ số thanh toán hiện thời – H2: Được tính bởi thương số giữa tổng tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Mỗi ngành nghề sẽ có một chỉ số thanh toán hiện thời khác nhau và có giá trị khác nhau. Khi hệ số này có giá trị cao có nghĩa là doanh nghiệp đó đang tập trung đầu tư vào tài sản lưu động, có nhiều tiền mặt nhàn rỗi,… Hệ số này cho thấy mức độ đảm bảo của tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn.
- Khả năng thanh toán nhanh – H3: Là việc doanh nghiệp đó sẽ thanh toán các khoản nợ ngắn hạn nhanh thông qua việc chuyển đổi tài sản thành tiền. Đây được xem là thước đo cho khả năng trả nợ ngân hàng trong kỳ ( không dùng tiền có được từ việc bán vật tư, hàng hóa, kinh doanh). Trong báo cáo tài chính thông thường, tiền và các khoản tương đương với tiền sẽ có khả năng chuyển đổi nhanh và bất kỳ lúc nào để có thể thanh toán khi cần thiết. Chỉ số này được tính bằng cách lấy chỉ tiêu Tiền và các khoản tương đương tiền, chia cho Tổng nợ ngắn hạn.
- Hệ số thanh toán lãi vay – H4: Phản ánh số vốn mà doanh nghiệp đi vay được sử dụng như thế nào, đem lại lợi nhuận là bao nhiêu, nó có đáp ứng khả năng trả lãi vay đúng hạn không. Việc so sánh giữa số lãi vay và nguồn trả lãi vay cho thấy doanh nghiệp đã sẵn sàng trả tiền đi vay ở mức độ nào.
Chỉ số hoạt động
Chỉ số hoạt động đánh giá tổng quát hiệu quả sử dụng nguồn vốn và tài sản của một doanh nghiệp.
- Số vòng quay hàng tồn kho: Là tỷ lệ giữa giá vốn với giá trị bình quân hàng tồn kho trong kỳ. Số vòng quay thể hiện số lần mà hàng tồn kho bình quân lưu chuyển trong kỳ (Giá vốn hàng bán/ Giá trị lưu kho bình quân). Nếu chỉ số này càng cao cho thấy kết quả kinh doanh càng thuận lợi, doanh nghiệp có khả năng giải quyết hàng tồn và tăng mức thanh khoản.
- Vòng quay các khoản phải thu cho thấy tốc độ chuyển đổi những khoản phải thu trong kỳ thành tiền mặt nhanh hay chậm
- Kỳ thu tiền bình quân: Là số ngày cần để thu hồi được các khoản phải thu. Nếu kết quả được tính ra càng lớn thì kỳ thu tiền bình quân sẽ càng nhỏ và ngược lại.
- Vòng quay vốn lưu động: Doanh thu thuần chia Giá trị tài sản lưu động bình quân. Cho thấy một đồng vốn lưu động bình quân tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh sẽ cho ra bao nhiêu đồng doanh thu thuần. Nếu kết quả càng cao thì hiệu quả sử dụng vốn lưu động cao.
- Hiệu suất sử dụng vốn cố định: Là một đồng vốn cố định tham gia vào quá trình sản xuất thì sẽ tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu thuần.
- Vòng quay tổng tài sản: Có tác dụng đo lường hiệu suất sử dụng tài sản.
Xem thêm: Chỉ số ROA (tỷ suất sinh lời trên tài sản
Trên đây là một số thông tin về các chỉ tiêu và cách phân tích tài chính doanh nghiệp được sử dụng phổ biến hiện nay. Hi vọng bài viết này sẽ mang đến những kiến thức bổ ích và cần thiết cho bạn trong quá trình đầu tư.