Chính sách tài khoá là một công cụ đắc lực được Nhà nước sử dụng với mục đích cải thiện tình hình của nền kinh tế. Vậy chính sách tài khoá là gì? Fiscal policy là gì? Nó có tác động như thế nào đến nền kinh tế của một quốc gia. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
1. Chính sách tài khóa là gì?
Chính sách tài khóa có tên tiếng Anh là (Fiscal Policy). Chính sách tài khoá là một công cụ của Chính phủ đưa ra nhằm điều hành và quản lý nền kinh tế vĩ mô. Trong đó, Chính phủ sẽ tiến hành can thiệp điều chỉnh thuế suất cũng như các khoản chi tiêu chính phủ nhằm giúp đất nước đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế hoặc tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, bình ổn giá hàng tiêu dùng…
2. Phân loại chính sách tài khóa
Hiện nay, có 2 loại chính sách tài khóa khác nhau được chính phủ đưa ra: Chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thắt chặt. Mỗi loại sẽ có tác động theo 2 chiều ngược nhau đến nền kinh tế vĩ mô.
2.1. Chính sách tài khoá mở rộng
Chính sách tài khóa mở rộng còn được gọi là chính sách tài khóa thâm hụt. Trong đó, Chính phủ sẽ thực hiện việc tăng chi tiêu của chính phủ và giảm nguồn thu từ thuế hoặc kết hợp đồng thời vừa tăng chi tiêu chính phủ vừa giảm nguồn thu từ thuế. Điều này sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân, tăng sản lượng nền kinh tế, tổng cầu tăng, kích thích để nền kinh tế phát triển.
Chính sách tài khóa này thường được Chính phủ áp dụng khi nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, kém phát triển hoặc tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Chính sách này thường áp dụng song song với chính sách tiền tệ nhằm thực hiện mục đích ổn định, tăng trưởng và phát triển nền kinh tế hiệu quả nhất.
2.2. Chính sách tài khóa thắt chặt
Khi Chính phủ thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, có nghĩa là Chính phủ sẽ thực hiện việc giảm chi tiêu chính phủ, tăng nguồn thu thuế hoặc kết hợp đồng thời giảm chi tiêu chính phủ và tăng nguồn thu từ thuế.
Mục đích để giảm sản lượng của nền kinh tế, giảm tổng cầu. Điều này sẽ giúp cho nền kinh tế không bị phát triển quá nóng. Chính sách tài khoá thắt chặt được Chính phủ áp dụng khi nền kinh tế đang phát triển quá nhanh, thiếu ổn định hay tỷ lệ lạm phát nhanh. Trong trường hợp đó, Chính phủ muốn đưa nền kinh tế trở về trạng thái cân bằng, ổn định.
3. Các công cụ của chính sách tài khóa là gì?
Có 2 công cụ chính trong chính sách tài khoá của chính phủ bao gồm: chi tiêu chính phủ và thuế
3.1. Chi tiêu chính phủ
Chi tiêu chính phủ tác động lớn tới chính sách tài khoá của quốc gia. Chi tiêu của chính phủ bao gồm chi mua hàng hóa, dịch vụ và chi chuyển nhượng
- Chi mua hàng hóa dịch vụ: Là các khoản được Chính phủ chi ngân sách vào việc đầu tư cho quốc phòng, cơ sở hạ tầng cho đất nước, dùng để trả tiền lương cho cán bộ nhà nước…
- Chi chuyển nhượng: Là các khoản tiền mà Chính phủ sử dụng ngân sách để hỗ trợ cho những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội như người khuyết tật, người nghèo, thương binh, bệnh binh…
Khi Chính phủ chi tiêu tiền để mua hàng hóa dịch vụ cao thì nhu cầu hàng hóa tăng kích thích cung tăng giúp nền kinh tế từng bước được phục hồi, trưởng trở lại. Tuy nhiên trong trường hợp chi tiêu chính phủ giảm, tổng cầu giảm giúp làm ổn định lại sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế.
3.2. Thuế (thu ngân sách)
Thuế là khoản thu bắt buộc của Nhà nước đối với cá nhân và tổ chức trong một quốc gia. Việc thu thuế nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung. Thuế được chia làm 2 loại: Thuế trực thu và thuế gián thu.
- Thuế trực thu: Đánh trực tiếp vào thu nhập và tài sản của người chịu thuế. Người chịu thuế cũng là người nộp thuế. Loại thuế trực thu bao gồm: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản, thuế đất…
- Thuế gián thu: Là khoản thuế được thu thông qua giá cả của hàng hóa, dịch vụ. Một số loại thuế gián thu gồm: thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt…Người chịu thuế không phải người nộp thuế.
Các khoản thu thuế tác động trái ngược lại so với chi tiêu chính phủ. Nếu thuế tăng, đồng nghĩa với thu nhập của người dân giảm. Điều này khiến họ ít tiêu dùng hơn, từ đó tổng cầu giảm và GDP giảm. Và ngược lại, nếu thuế giảm, giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, người dân sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, tổng cầu tăng và GDP tăng.
4. Vai trò của chính sách tài khoá tới nền kinh tế?
Chính sách tài khoá có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia. Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách khác nhau tuỳ theo tình hình kinh tế của đất nước. Về cơ bản, chính sách tài khoá có vai trò như sau:
- Đây là công cụ quan trọng giúp Chính phủ có thể tác động toàn diện đến toàn bộ nền kinh tế của quốc gia, giúp ổn định lại nền kinh tế đang có nhiều biến động.
- Khi sử dụng kết hợp 2 công cụ của chính sách tài khóa, Chính phủ sẽ thực hiện việc phân bổ nguồn lực kinh tế hiệu quả. Lúc này, Chính phủ có thể tập trung sâu hơn để tập trung phát triển một lĩnh vực trọng tâm của đất nước.
- Chính sách tài khoá cũng là một công cụ hiệu quả giúp phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân. Từ đó có thể tạo môi trường an toàn và ổn định cho đầu tư và tăng trưởng.
- Mục tiêu cốt lõi nhất của chính sách tài khóa là giúp tăng trưởng và phát triển nền kinh tế của quốc gia.
Trên đây là những thông tin để giải đáp cho bạn về khái niệm chính sách tài khoá là gì và tác động của chính sách tài khoá tới nền kinh tế rất lớn. Để có thể đưa ra được những chính sách khác nhau phù hợp với nền kinh tế không phải là điều đơn giản.